Địa hình và tình hình mặt trận Chiến_dịch_Tia_Lửa

Tình hình mặt trận tại khu vực "cổ chai" Shlisselburg vào tháng 1 năm 1943.

Khu vực phía Nam hồ Ladoga là một vùng nhiều rừng và đầm lầy dày đặc gần hồ, đặc biệt hiện diện nhiều bãi than bùn. Thêm vào đó, rừng rậm đã hạn chế đáng kể tầm nhìn của binh sĩ. Tất cả các yếu tố đó gây nhiều khó khăn cho việc triển khai và vận động các lực lượng pháo binh và thiết giáp của đôi bên, tạo ra tình thế dễ thủ khó công. Một trong những vị trí then chốt tại khu vực là điểm cao Sinyavino với chiều cao 150 mét so với khu vực bằng phẳng xung quanh. Đây cũng chính là một trong những nơi hiếm hoi có đất nền khô ráo và cùng cấp tầm nhìn tốt cho những ai chiếm giữ nó. Do mặt trận không thay đổi gì nhiều kể từ khi quân Đức xiết vòng vây ở Leningrad, người Đức đã tận dụng sự tĩnh tại này để thiết lập một hệ thống phòng thủ dày đặc và vững chắc bao gồm nhiều hỏa điểm mạnh liên kết với nhau bằng các chiến hào và được bảo vệ bởi nhiều vật cản cùng hỏa lực pháo binh và súng cối phối hợp chặt chẽ với nhau.[13] Sông Neva và các đầm lầy xung quanh bị đóng băng phần nào vào mùa đông và vì vậy bộ binh có thể đi bộ qua dòng sông, tuy nhiên xe tăng và thiết giáp thì chịu chết vì bề mặt băng không đủ vững.[14]